GẶP NGUYỄN KIẾN QUỐC: DỊCH GIẢ SÁCH BORN TO RUN -

GẶP NGUYỄN KIẾN QUỐC: DỊCH GIẢ SÁCH BORN TO RUN - "SINH RA ĐỂ CHẠY"

Nhắc đến những cuốn sách về chạy bộ nổi tiếng ở Việt Nam, chắc chắn phải nhắc đến “Born To Run” – bản dịch tiếng Việt là “Sinh ra để chạy”. Đây là 1 trong 2 cuốn sách nổi tiếng đầu tiên về chạy bộ được đem về giới thiệu ở Việt Nam và dịch ra tiếng Việt. Tuần này, người viết có dịp trò chuyện với anh Nguyễn Kiến Quốc – dịch giả cuốn “Born To Run – Sinh ra để chạy” về quá trình tiếp xúc và dịch sách cũng như vài câu chuyện thú vị bên lề. Anh là một trong những người đầu tiên có công mang các cuốn sách chạy bộ tên tuổi đến với cộng đồng runner Việt Nam trong giai đoạn phong trào chạy bộ vẫn còn “non trẻ”. Mời các bạn cùng theo dõi.

Chào anh Quốc, anh có thể cho độc giả tại goccualien.com biết anh dịch “Sinh ra để chạy” vào thời điểm nào và mất bao lâu để hoàn thành không ạ? Thời điểm dịch sách là đang ở Nhật hay Việt Nam?
Mình bắt đầu dịch quyển “Sinh ra để chạy” lúc đang ở Việt Nam, từ khoảng giữa năm 2016. Lúc đó mình chạy bộ “nghiêm túc” được khoảng gần 1 năm. Mình cứ dịch lắc rắc từng chương từng chương một, đến tháng 10/2016 mình sang Nhật, lúc đó mới được khoảng hơn nửa quyển. Sang Nhật mình mới dịch nốt nửa còn lại. Do cũng không chuyên tâm chỉ dịch sách nên dịch mất khá nhiều thời gian, chắc phải 8-9 tháng mới xong toàn bộ.

Công việc chính của anh có phải là một biên dịch sách chuyên nghiệp?
Mình bắt đầu dịch “Sinh ra để chạy” chỉ vì sở thích chạy bộ thôi. Hồi bắt tay vào dịch sách thì mình vẫn đang làm việc ở công ty cũ. Công việc của mình là thương mại, xuất nhập khẩu trang thiết bị công nghệ nên trước khi dịch sách, mình cũng từng dịch rất nhiều tài liệu kỹ thuật, hợp đồng và giấy tờ khác nhưng dĩ nhiên đó chỉ là phần phụ của công việc. Sau này khi dịch xong quyển “Sinh ra để chạy rồi” thì mình mới… “tiện tay” dịch thêm mấy cuốn nữa cả về chạy bộ và lĩnh vực khác, nhưng xét cho cùng thì dịch sách vẫn là tay trái thôi. Hiện nay công việc mình làm lại gần như thuần tuý là dịch thuật, nhưng nó lại đến từ cơ duyên khác, không dính gì đến việc dịch quyển “Sinh ra để chạy” và các quyển sách khác.
 

Cái duyên kết nối chạy bộ với anh và việc dịch cuốn “Sinh ra để chạy”?
Mình bắt đầu chạy bộ từ năm 2012, mục đích ban đầu chỉ là cải thiện sức khoẻ, gọt mỡ. Hồi đó ở công ty có phong trào tennis, mình cũng ra sân vung vẩy vợt với mọi người, nhưng thân thể nặng nề quá, chẳng đánh đấm được ra hồn. Thế là quyết định đi chạy bộ. Đơn giản chỉ có vậy.

Lúc đó tự lên mạng mày mò linh tinh thôi nên chỉ chạy được hơn một vòng hồ Tây là bỏ bẵng. Đến năm 2015, một cậu bạn cùng công ty giới thiệu mình vào nhóm LDR – Hội những người thích chạy đường dài trên Facebook. 

Vào đó, mình gặp được rất nhiều “cao nhân” trong hội, được học hỏi, được chia sẻ nhiều kiến thức hay ho, và cũng qua hội này, mình biết đến quyển sách “Sinh ra để chạy”. Nhưng quyển sách chạy bộ đầu tiên mình dịch lại là “Meb viết cho người phàm” (Meb for Mortals). Quyển đó thuần tuý kĩ thuật, là sách hướng dẫn chạy nên hơi khô, không phải kiểu phiêu lưu hào hứng như “Sinh ra để chạy”. Có lẽ vì thế nên mình dịch dở Meb for Mortals rồi bỏ bẵng mãi.

Sau đó, mình mới biết đến quyển” Sinh ra để chạy”. Vừa đọc là mình thấy mê ngay. 

Mình vốn cũng thích đọc sách truyện, tiểu thuyết nên khi gặp một quyển sách nói về sở thích chạy bộ, được trình bày như một câu chuyện phiêu lưu hấp dẫn, mình thấy rất hứng thú. Thế là bắt tay vào dịch thôi. Ban đầu mình dịch một vài chương, đăng lên các group về chạy bộ, thấy mọi người chăm chú dõi theo và hưởng ứng nên mình có cảm hứng để dịch tiếp. Sau này, khi đã dịch và in ấn quyển “Sinh ra để chạy” xong xuôi thì mình mới quay lại dịch nốt quyển của Meb và in sách.

Khi dịch cuốn sách này, điều mang lại ấn tượng lớn nhất cho anh là điều gì? (Hoặc anh đã vỡ lẽ ra điều gì về chạy bộ?)
Mình rất ấn tượng về cách kể chuyện của tác giả. Cách mà tác giả dẫn dắt người đọc đi dọc ngang Trái Đất, quay ngược cả về thời nguyên thuỷ, lồng ghép những câu chuyện kể về người chạy bộ thực tế khắp đó đây và đưa ra cả những chứng cứ khoa học làm mình cảm thấy rất hào hứng khi đọc. Đấy là ấn tượng của mình về “Sinh ra để chạy” dưới góc độ một cuốn sách. Còn về chạy bộ thì quả thực mình cũng đã hiểu được nhiều điều thú vị, ví dụ như sự khác nhau trong cơ chế thoát nhiệt, hô hấp khi chạy bộ của con người và các động vật khác.

Tại giải Yokohama Marathon 2018

Nhân vật nào và câu nói nào/ đoạn nào trong sách làm anh ấn tượng nhất?
Mình thích nhất một số câu nói của nhân vật Eric Orton, là huấn luyện viên của tác giả Christopher McDougall thời gian sau này. Một số câu nói, hay đúng hơn là đoạn mà Eric nói mình cảm thấy đáng chú ý, và càng tập chạy càng thấy “thấm”:

“Ai cũng nghĩ rằng mình biết cách chạy, nhưng thực ra nó cũng phức tạp chẳng kém các môn khác.” Eric bảo tôi. “Cứ hỏi hầu hết mọi người thì sẽ thấy, họ đều nói rằng ‘ai chả chạy như nhau.’ Thật nực cười! Có phải ai cũng bơi giống nhau đâu?” Với các môn thể thao khác, phần dạy cách chơi rất quan trọng ; bạn không thể cứ ra sân rồi cầm gậy golf quật túi bụi, hoặc trượt xuống sườn núi với dụng cụ trượt tuyết, mà phải được ai đó dạy cho từng bước một, và hướng dẫn tư thế đúng. Nếu không, chắc chắn là hiệu quả sẽ không cao và chuyện bị chấn thương là khó tránh khỏi.

“Chạy bộ cũng vậy thôi.” Eric giải thích. “Nếu học sai cách, bạn sẽ không bao giờ biết được rằng chơi môn này thích đến thế nào.” (Chương 27)

 “Người Tarahumara không phải là những người chạy bộ tuyệt vời.” Eric nhắn cho tôi khi tôi bước sang tháng tập luyện thứ hai. “Họ là những vận động viên vĩ đại, và hai khái niệm này rất khác nhau.” Người chạy bộ cũng giống như công nhân trong dây chuyền sản xuất; họ giỏi trong một nghề và lặp đi lặp lại hành động đó đến nát cả máy móc. Các vận động viên thì khác. Họ giống như Tarzan. Tarzan bơi lội, vật lộn, nhảy nhót và đu dây. Anh ta khỏe mạnh và có sức bùng nổ. Bạn sẽ không thể biết trước được Tarzan sẽ làm gì tiếp theo, đó chính là lý do tại sao anh ta không bị chấn thương.” (Cũng chương 27)

Cá nhân mình thấy rằng cả quyển sách “Sinh ra để chạy” đều rất hay, hấp dẫn, nhưng nội dung giá trị nhất đối với người chạy bộ cô đọng lại ở hai chương 27 và 28.

Những khó khăn trong quá trình dịch sách?
Như đã kể ở phần trên, mình không phải dân văn vẻ chuyên nghiệp, chỉ là từ bé thích đọc sách truyện thôi. Ngày xưa học phổ thông, điểm văn của mình lẹt đẹt lắm. Vì thế nên lúc dịch “Sinh ra để chạy” thì việc lựa chọn từ ngữ sao cho văn vẻ, uyển chuyển đối với mình là khá khó khăn.

Dịch cuốn “Sinh ra để chạy” có đem lại điều gì cho anh trong cuộc sống cũng như “đời sống” chạy bộ của mình không?
Sau khi mình dịch cuốn “Sinh ra để chạy” thì bạn bè xung quanh tự nhiên quay ra gọi mình là “dịch giả”, nghe cũng ngồ ngộ. Nhờ dịch cuốn sách này mà mình quen biết với các bạn làm về sách, với các biên tập viên, hiểu hơn về công việc làm ra con chữ. Mặc dù chuyện mình làm công việc dịch thuật hiện nay hoàn toàn không liên quan đến việc dịch cuốn “Sinh ra để chạy”, nhưng do hoàn thành được một quyển sách, và sau đó là 2, 3 quyển khác nữa, nên mình có thêm tự tin trong công việc dịch và viết lách. Quá trình làm việc với các biên tập viên, mình cũng học hỏi được thêm rất nhiều về viết và trình bày.

Về “đời sống” chạy bộ, thì sau khi dịch sách xong đúng là cũng có nhiều thay đổi. Như đã nói ở trên, mình “nhặt nhạnh” được vài điểm tâm đắc trong nội dung sách và cũng dần dần áp dụng vào phương pháp luyện tập. Nhưng có lẽ thay đổi nhiều nhất là mối quan hệ của mình với cộng đồng chạy bộ. Mặc dù mình chạy cũng làng nhàng thôi, nhưng hình như cái mác “dịch giả” khiến khá nhiều người tin tưởng thì phải, nên từ sau khi dịch xong sách, rất nhiều người đã nhờ mình hướng dẫn chạy. Cho đến giờ, số người mình hướng dẫn chạy bộ từ đầu cho đến khi hoàn thành hẳn được marathon cũng kha khá đông rồi. Hướng dẫn từ xa, online, hoàn toàn cho vui thôi, nhưng tự nhiên cũng hình thành những mối liên kết rất thú vị.

Vậy cuốn Born To Run là anh tự dịch rồi chủ động làm việc với NXB và công ty sách? Ngoài cuốn này anh còn dịch các cuốn nào không?
Ừ. Mình đã dịch tổng cộng 4 cuốn, trong đó 3 cuốn về chạy bộ (Born To Run – Sinh Ra Để Chạy; Meb, viết cho người phàm; Chạy bộ cùng người Kenya – bí mật những đôi chân gió). 3 cuốn này mình đều dịch trước rồi mới liên hệ với nhà xuất bản. Cuốn còn lại là Ai, cái gì, khi nào – những tri kỉ bí mật nhất lịch sử.

Vậy quá trình liên hệ với NXB có gặp khó khăn gì không?
Quyển Sinh ra để chạy thì ban đầu hơi khó. Lúc đó chạy bộ chưa phát triển lắm nên nhà sách không mặn mà. Mình bị một nhà sách lớn từ chối, sau đó đến Alphabooks thì mới bén duyên. Sau đó đẻ sòn sòn thêm 2 quyển chạy bộ cũng với Alpha.

Một buổi chạy bộ của anh Quốc ở Nhật

Em mới lướt qua thì thấy sách về chạy bộ ở Việt Nam tới nay chắc cũng hơn chục cuốn rồi. Cơ mà những cuốn thực sự gây tiếng vang thì không nhiều lắm. Anh có cho rằng hạn chế đó là do phần marketing?
Mình không nghĩ vậy. Chạy bộ vốn nó rất chán. Nên viết được sách hay về chạy bộ không dễ. Do đó, nó không thành hit được. Chỉ có số ít là nổi đình nổi đám, như quyển của Murakami hoặc quyển Sinh ra để chạy. Đó là do sách gốc hay sẵn nên nó hút độc giả thôi.
Quyển Chạy bộ cùng người Kenya rất hay. Không phải là sách mình dịch mình khen đâu. Sách gốc rất hay. Có nhiều nội dung đáng đọc lắm. Nếu Liên chưa đọc thì tìm đọc thử xem. Cơ mà ý kiến cá nhân thôi. Biết đâu mọi người thấy nó không hay. Trong đó có nhiều insights về cách tập luyện của người Kenya. Và có nhiều thứ liên quan đến văn hoá châu Phi. Meb là cuốn mình thích nhất!

Tại sao vậy ạ?
Mình vẫn là runner thôi. Cho đến giờ mình vẫn tập luyện theo nhiều nguyên tắc học được của Meb. Mình dịch sách Meb từ rất lâu rồi nhưng bây giờ càng tập mới càng thấy ngấm. Meb là quyển sách viết cho người già chạy bộ. Meb viết sách đó khi đã 39-40. Nó hướng dẫn cho người không chuyên, đã qua tuổi thanh xuân có sức hồi phục mạnh mẽ. Sách của một nhà vô địch về chiều. Nhưng rất phù hợp với dân số chạy bộ chủ yếu hiện nay.

Hay quá, vậy cho em hỏi thêm vài câu nữa nhé. Ai là người anh ngưỡng mộ/ thần tượng trong chạy bộ cũng như sự nghiệp dịch sách?
Trong làng chạy bộ Việt Nam, có một người mình cảm thấy rất ngưỡng mộ, đó là Đinh Huỳnh Linh. Linh chính là người giới thiệu với mình quyển “Meb for Mortals” và đề nghị mình dịch. Linh là hình mẫu một người không có tố chất thể thao, thuần tuý dựa vào sự chăm chỉ, kỉ luật và tập luyện mà trở thành một trong những người chạy bộ phong trào hàng đầu. 
Linh có một tình yêu chạy bộ hiếm thấy. Công việc của Linh là rất bận rộn, nhưng bạn ấy luôn biết sắp xếp để dành ra được thời gian cho niềm yêu thích của mình. Ngoài ra, Linh cũng rất chịu khó đào sâu, tìm tòi các yếu tố mang tính chất khoa học và kỹ thuật liên quan đến chạy bộ nữa. Là bác sĩ tim mạch nên các kiến thức chuyên môn của Linh càng bổ trợ thêm nhiều cho chạy bộ, quả thực là một người rất uyên bác.
Về dịch sách thì mình thích nhất là nhà văn, nhà báo, dịch giả Vũ Đức Sao Biển. Mình từ nhỏ đã mê truyện Kim Dung và theo mình, bản dịch của Vũ Đức Sao Biển là hay nhất. Cách dịch, cách viết của mình có vẻ chịu ảnh hưởng ít nhiều của truyện Kim Dung qua ngòi bút dịch của Vũ Đức Sao Biển.

Các thành tích nổi bật nhất của anh trong quá trình tham gia chạy bộ?
Mình chỉ có thành tích chạy bằng mồm là nổi bật thôi. :))) Kết quả chạy marathon, bán marathon v.v… của mình rất làng nhàng, chẳng có gì là nổi bật cả.

Hiện dịch giả Nguyễn Kiến Quốc đang sống ở Nhật cùng gia đình

Có thành viên nào trong gia đình cùng chạy bộ với anh (dưới sự hướng dẫn của anh) Không?
Vợ mình cũng chạy bộ do mình lôi kéo. Nhưng có vẻ bụt chùa nhà không thiêng nên chạy khá lâu rồi mà không tiến bộ mấy. Vợ mình chỉ chạy ngắn ngắn thôi.

Hiện tại anh đang sống ở Nhật cùng gia đình ạ? 
Gia đình mình (vợ và 2 con) đang cùng sống ở Tokyo.

Cảm ơn anh!

Nguồn: Góc Của Liên

 

Gợi ý bạn đọc thêm

VŨ PHƯƠNG THANH:

VŨ PHƯƠNG THANH: "KHÔNG GÌ LÀ KHÔNG THỂ VỚI NGƯỜI VIỆT NAM"

VŨ TIẾN MẠNH, CHÀNG RUNNER KHIẾM THỊ VƯỢT QUA GIỚI HẠN

VŨ TIẾN MẠNH, CHÀNG RUNNER KHIẾM THỊ VƯỢT QUA GIỚI HẠN

CHẠY BỘ - HÀNH TRÌNH CHIẾN THẮNG UNG THƯ CỦA MỘT CÔ GÁI 8X

CHẠY BỘ - HÀNH TRÌNH CHIẾN THẮNG UNG THƯ CỦA MỘT CÔ GÁI 8X

KHOẢNH KHẮC ĐẦY CẢM XÚC TẠI TIỀN PHONG MARATHON 2024

KHOẢNH KHẮC ĐẦY CẢM XÚC TẠI TIỀN PHONG MARATHON 2024

HÀNH TRÌNH CHINH PHỤC CỰ LY ULTRA TRAIL 85KM GIẢI DLUT 2023

HÀNH TRÌNH CHINH PHỤC CỰ LY ULTRA TRAIL 85KM GIẢI DLUT 2023

KÍ SỰ STANDARD CHARTERED SINGAPORE MARATHON 2022 (MS. TRÂM PHAN - ORC)

KÍ SỰ STANDARD CHARTERED SINGAPORE MARATHON 2022 (MS. TRÂM PHAN - ORC)

MO MULLER VÀ HÀNH TRÌNH TRỞ THÀNH

MO MULLER VÀ HÀNH TRÌNH TRỞ THÀNH "ULTRA RUNNER" SAU 22 THÁNG CHẠY BỘ

5 CẶP ĐÔI VÀNG CỦA THỂ THAO VIỆT NAM

5 CẶP ĐÔI VÀNG CỦA THỂ THAO VIỆT NAM

TOP 10 BỘ PHIM TRUYỀN CẢM HỨNG VỀ CHẠY BỘ MÀ CÁC RUNNER KHÔNG NÊN BỎ LỠ

TOP 10 BỘ PHIM TRUYỀN CẢM HỨNG VỀ CHẠY BỘ MÀ CÁC RUNNER KHÔNG NÊN BỎ LỠ

fb chat